(Cập nhật ngày: 21/11/2014)
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, chia sẻ thông tin, quan điểm về công tác đào tạo nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam hiện nay và chỉ ra những cơ hội, thách thức trong quá trình hội nhập du lịch trong khu vực ASEAN, nhất là khi cộng đồng ASEAN được hình thành và chính thức thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch ASEAN (MRA-TP) vào năm 2015. ASEAN là một trong khuôn khổ hợp tác đa phương mà Du lịch Việt Nam tham gia sâu rộng và có hiệu quả nhất. Đến nay, Việt Nam đã ký hiệp định hợp tác du lịch song phương với tất cả các thành viên ASEAN, tham gia hợp tác phát triển du lịch theo các chương trình: Chiến lược Du lịch ASEAN 2011 - 2015, Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN 2012 - 2015 với chủ đề "Đông Nam Á - cảm nhận sự ấm áp", Khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), Hợp tác 4 quốc gia-Một điểm đến (Campuchia, Lào, Mianmar và Việt Nam), Hợp tác trong khuôn khổ Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC)... Du lịch Việt Nam xác định ASEAN là một trong những thị trường nguồn quan trọng nhất với trên 1,44 triệu lượt khách, chiếm 19,1% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2013.
Thỏa thuận MRA-TP khi có hiệu lực sẽ cho phép dịch chuyển lao động trong ngành du lịch thuộc khối ASEAN. Ở đây vừa là cơ hội và cũng là thách thức bởi lao động Việt Nam có thêm nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm ở các quốc gia trong khối và ngược lại, lao động các quốc gia khác có thể tham gia làm việc trong ngành Du lịch Việt Nam, tạo ra áp lực và sự cạnh tranh về cơ hội việc làm. Với xu thế hợp tác và hội nhập này càng sâu rộng đòi hỏi nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam phải tự nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu hội nhập, đồng thời các cơ sở đào tạo cũng cần phải đổi mới chương trình đào tạo, cách thức tổ chức giảng dạy, gắn kết hơn giữa đào tạo lý thuyết và kỹ năng thực hành nghề... để đảm bảo đội ngũ nhân lực du lịch Việt Nam không bị "mất việc" ngay trên sân nhà.